Năm bí mật khiến hầu hết startup phá sản sau 5 năm

Tác giả: PGS.TS. Lê Quân



Phần lớn các doanh nghiệp phá sản sau năm năm đầu hoạt động. Một nguyên nhân quan trọng là do công tác quản trị nhân sự chưa tốt. PGS-TS. Lê Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ một số lưu ý về quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp.

1. Quản trị nhân sự dựa trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân

Những năm đầu khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp thường chú trọng nhiều đến công nghệ và thị trường. Trong giai đoạn này, họ phải lo toan các công việc từ chiến lược đến sự vụ, kể cả hành chính, nhân sự, tài chính, kế toán,v.v. Điều này sẽ giúp cho các công ty mới tiết kiệm được kha khá chi phí và phù hợp với bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện.

Trên thực tế, điểm yếu nhất của các startup là năng lực quản trị nhân sự. Trong 5 năm đầu khởi sự, năng lực quản trị nhân sự được ví như là chiếc áo quá chật so với mục tiêu và tham vọng phát triển của tổ chức. Rất nhiều vấn đề và thiệt hại phát sinh xuất phát từ năng lực quản trị nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu. Nguy hại hơn, ít người nhận ra những hạn chế này. Quá trình quản trị nhân sự dựa chủ yếu trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân.

Một nhóm các nhân viên startup đang nhìn vào các tài liệu
Quản trị nhân sự trong doanh nghiệp

Nếu chủ doanh nghiệp vượt qua được chính mình để coi trọng việc học hỏi và có giải pháp hợp lý bổ sung những hạn chế về quản trị nhân sự thì khả năng thành công sẽ cao hơn nhiều. Bởi, xét cho cùng, các nguyên nhân thất bại khác cũng đa phần do thiếu nhân sự đủ năng lực để điều hành và chèo lái tổ chức thích ứng với biến đổi của thị trường.

2. Phân vai chưa rõ và quản trị xung đột yếu giữa các đồng sáng lập

Nhiều người lựa chọn cùng nhau khởi nghiệp. Khởi nghiệp theo nhóm vừa là để cùng nhau triển khai ý tưởng, phát huy thế mạnh của nhau, huy động nguồn lực của nhau và chia sẻ rủi ro. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thành công của Việt Nam có xuất phát điểm từ khởi nghiệp theo nhóm.

Tuy nhiên, rủi ro lại đến từ các mâu thuẫn giữa các nhà đồng sáng lập bởi sự khác biệt về quan điểm, tranh chấp về lợi ích và không quản trị được sự thay đổi phương thức ra quyết định phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tổ chức.

Khi khởi đầu khó khăn thì các nhà đồng sáng lập khá đoàn kết, cùng nhau nếm mật nằm gai. Nhưng khi có sự khởi sắc, có kết quả tài chính tốt thì cũng là lúc các mâu thuẫn xuất hiện. Rất nhiều nhà đồng sáng lập phải chia tay nhau trong những năm đầu tiên với lý do mâu thuẫn cá nhân trong quản lý điều hành.

Nguyên nhân cơ bản là do quản trị hệ thống chưa tốt, chưa phân vai và thỏa thuận rõ ràng giữa những nhà khởi nghiệp. Quá trình quản trị không chuyển đổi kịp từ thói quen sang “đúng vai thuộc bài”.

Thực tế này đòi hỏi các nhà đồng sáng lập cần thỏa thuận với nhau ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp về phương thức quản lý của doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo. Điều này nên được cụ thể hóa vào Điều lệ công ty. Khi tổ chức đi vào quỹ đạo, cần áp dụng triệt để nguyên tắc quản trị công ty; phân định rõ vai trò của từng cá nhân trên vai trò cổ đông, vai trò thành viên hội đồng quản trị, hay vai trò giám đốc điều hành,…Khi đó, các cần có một nhà lãnh đạo đủ tầm và năng lực để quyết sách.

Khi khởi nghiệp theo nhóm, hãy đừng sử dụng Điều lệ công ty mẫu. Hãy sử dụng chuyên gia pháp lý và quản trị để giúp nhóm khởi nghiệp có được một Điều lệ công ty chuẩn mực, tạo nền tảng cho quá trình phát triển của tổ chức sau này.

3. Thiếu giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài

Lý do phổ biến là giai đoạn khởi nghiệp thiếu nguồn lực nên khó thu hút nhân tài. Do đó, các tổ chức có xu hướng thuê và sử dụng nhân lực có mức tiền lương thấp, năng lực đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây có lẽ là sai lầm lớn đối với những tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, tham vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ đổi mới sáng tạo, và muốn thu hút vốn của nhà đầu tư.

Thu hút nhân tài là chìa khóa giúp quá trình khởi nghiệp thành công. Nhưng để thu hút được nhân tài, hai yếu tố chi phối khả năng thu hút người tài đó là:

  • Bản thân chủ doanh nghiệp không đủ năng lực để sử dụng nhân tài. Khi tầm nhìn của họ còn hẹp, thì rất khó thu hút được nhân tài. Chưa kể, việc chưa có định hướng rõ ràng và văn hoá tổ chức cũng khiến cho việc đội ngũ nhân sự không hạnh phúc và rời đi.
  • Sự hấp dẫn của ý tưởng và dự án khởi nghiệp. Khi ý tưởng và dự án khởi nghiệp tốt, tiềm năng cao, đó là chìa khóa để thu hút nhân tài. Ngược lại, rất khó thu hút người tài tham gia nếu họ không đánh giá tốt về tương lai của doanh nghiệp khởi nghiệp đó.

Nhà tuyển dụng thu hút nhân tài thành công

Giải pháp thu hút người tài cũng khá đa dạng. Doanh nghiệp khởi nghiệp thường ưu tiên sử dụng Chương trình Quyền chọn mua cổ phần để thu hút nhân sự giỏi về tham gia quản lý điều hành. Đây là hình thức cùng nhau cam kết nỗ lực và cùng trở thành chủ sở hữu của tổ chức trong tương lai. Với các đơn vị khởi nghiệp sáng tạo, giá trị của doanh nghiệp sau 5 năm có thể gấp ngàn, triệu lần quy mô hiện tại. Một cổ phiếu tại thời điểm hiện đại có giá trị lớn trong tương lại.

Giải pháp thuê và cộng tác với các chuyên gia giúp các công ty “non trẻ” tận dụng được nguồn tri thức chuyên môn mà không cần phải tuyển dụng nhân viên toàn thời gian. Sự cầu thị và nhiệt huyết của các nhà khởi nghiệp luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các chuyên gia, thay vì cần nhiều tiền.

4. Startup chưa xây dựng rõ văn hóa doanh nghiệp

Do quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp không chú trọng tuyển dụng nhân sự chuyên trách làm quản lý nhân sự; cũng như thiếu chú trọng chuẩn hóa quy trình, hệ thống quản trị nhân sự.

Do thiếu tính hệ thống, nên các công việc được xử lý nhiều khi theo sự vụ và cảm tính. Thiếu quan tâm đến xây dựng hệ thống quản trị nhân sự, thường kéo theo là sự phân cấp, phân quyền yếu, khó phát triển được đội ngũ cán bộ cấp trung giỏi, tỷ lệ nghỉ việc cao… Đặc biệt, các vấn đề thường phát sinh liên quan đến hợp đồng lao động, nghỉ việc, vi phạm sở hữu trí tuệ, mất bí quyết kinh doanh do nhân viên nghỉ việc…

Chủ doanh nghiệp là nên quan tâm ngay từ đầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm quản trị, và nên sử dụng chuyên gia để thiết kế ngay chính sách và các quy chế quản trị nhân sự để đảm bảo hệ thống vận hành rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật, thu hút, sử dụng và phát triển được nhân sự. Đôi khi, chỉ với số tiền không nhiều, bạn có thể có một chuyên gia giúp bạn vài giờ/tháng để giúp bạn ra quyết định tốt hơn trong thiết kế và vận hành hệ thống.

Thuê dịch vụ tư vấn quản lý ban đầu tưởng là đắt, nhưng lại rất hiệu quả. Giải pháp này cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nhanh nhất với hệ thống quản lý chuẩn mực. Hệ thống càng minh bạch và bài bản, khả năng thu hút đối tác chiến lược càng cao.

5. Vô định trong việc quản trị nội bộ

Những công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu phát triển có nhu cầu tăng trưởng lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao. Giải pháp huy động vốn chủ yếu của họ ban là tăng vốn và mở rộng chủ sở hữu. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp từ chối phát triển và tiếp nhận nhà đầu tư chiến lược bởi nguy cơ mất quyền kiểm soát tổ chức của mình đến từ không tiếp tục sở hữu chi phối vốn. Ngược lại, nhiều CEO/Founder tiếp nhận nhầm nhà đầu tư chiến lược nên nhanh chóng phải chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp, mất đi “đứa con tinh thần của mình”.

Giải pháp cho vấn đề này là cần có tham vấn chuyên gia pháp lý, nhân sự và cần am hiểu về quản trị công ty. Có rất nhiều giải pháp có thể áp dụng. Trước hết là phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đúng. Tiếp theo, có nhiều hình thức hợp đồng đầu tư cho phép thu hút thêm nhiều cổ đông góp vốn, cổ đông hưởng cổ tức ưu đãi, nhưng vẫn duy trì được quyền biểu quyết, quyền phủ quyết…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *